Xe máy đang kéo lùi sự phát triển Việt Nam

Xe máy là một trong những “chiếc neo” đang kéo cả một đất nước Việt Nam đi chậm lại bởi vì nó khiến cho con người ta có lối suy nghĩ và hành động tiểu nông và gián tiếp gây ra hậu quả cho toàn bộ lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Áp lực giao thông đang ngày càng đè nặng và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xe máy được xem là một trong những yếu tố chính gây ra áp lực ngày càng nặng nề. Nhiều chuyên gia cho rằng, bài toán áp lực giao thông sẽ không bao giờ có lời giải nếu xe máy còn là phương tiện thống trị.

Về vấn đề này, bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả Patrick được đăng ở nhiều trang web, mạng xã hội và nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều. Xin giới thiệu để độc giả cùng suy ngẫm, tiếp tục thảo luận làm sáng tỏ thêm vấn đề:

Thời trung học cơ sở tôi vẫn được dạy rằng Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có nền văn minh lúa nước với đa số dân số làm nông nghiệp.

Bây giờ, tôi xin mượn cách diễn tả trên để nói rằng Việt Nam có nền văn hóa xe máy vì trên 90% dân số Việt Nam chắc hẳn đều đi xe máy hoặc chí ít thì cũng sở hữu một cái xe máy.

Xe máy hiện diện trên tất cả ngóc ngách của đất nước này, từ chốn thành thị đến vùng nông thôn, từ miền núi tới miền xuôi, ở các đô thị sầm uất nhất cho tới các buôn làng xa xôi hẻo lảnh.

Sự hiện diện của xe máy phổ biến tới mức nếu coi nó là một nét văn hóa thì cũng khó có thể phủ nhận.

Xe máy là một trong những “chiếc neo” đang kéo cả một đất nước Việt Nam đi chậm lại bởi vì nó khiến cho con người ta có lối suy nghĩ và hành động tiểu nông và gián tiếp gây ra hậu quả cho toàn bộ lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Thứ nhất, xe máy là thủ phạm của tư duy làm ăn manh mún. Xe máy rất tiện. Bạn có thể đỗ mọi nơi, dừng mọi lúc, bất kể không gian như thế nào.

Bạn có thể dừng ngay giữa ngã tư để mua một vài cân hoa quả, dừng ngay đầu ngõ để mua cân thịt, mớ rau và thế là một cái chợ cóc hình thành nên với chất lượng an toàn thực phẩm không thể kiểm soát được.

Ước tính có 90% dân số Việt Nam sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển chính. (Ảnh minh họa)

Nếu mọi người đi bằng xe bus, tàu điện, xe hơi…, chúng ta sẽ không thể tùy tiện mua ở bất kỳ đâu mà phải vào siêu thị, nơi làm việc chuyên nghiệp từ tất cả các khâu từ cái bãi đỗ xe, bán hàng, marketing rồi đến chăm sóc khách hàng.

Cái giá phải trả cho sự bất tiện là sự văn minh trong cách đối xử giữa người với người chứ không phải cảnh chửi bới nhau chì vì cân sai, cân lệch, làm ăn chộp giật và tư tưởng kinh doanh tiểu nông. Xe máy ảnh hưởng đến thói quen sống và hành động của chúng ta từ những cái nhỏ nhất.

Thứ hai, xe máy là thủ phạm của việc quy hoạch thiếu tầm nhìn. Chẳng có gì sai khi tôi cho rằng xây dựng ở Việt Nam hiện nay là nội nồi lẩu be bét với đủ các thể loại kiến trúc, những con ngõ nhỏ và sâu tới mức không thấy ánh sáng mặt trời mà giá bán thì trên cũng trên trời luôn.

Thủ phạm chẳng phải ai khác, chính là xe máy.

Nếu chúng ta có các phương tiện giao thông công cộng văn minh hoặc có xe hơi, một ngôi nhà ven đô thành phố cách 15km vào trung tâm, tôi nghĩ cũng chẳng hề hấn gì.

Tôi cũng đã tự hỏi tại sao các nhà làm quy hoạch không thể vẽ ra những con đường to hơn, với tám hay mười làn xe như Mỹ, EU, Trung Quốc, mà ở Thái Lan, Singapore cũng như vậy rồi.

10 năm nữa, những con đường ở đô thị Việt Nam đó sẽ bị phủ kín bởi các khu dân cư, rồi tắc đường ở đó sẽ diễn ra. Chúng ta sẽ sửa sang, mở rộng lòng đường lẫn vỉa hè với giá cắt cổ như đường Kim Liên ở Hà Nội, con đường đắt nhất hành tinh.

Tôi nghĩ về câu trả lời thì thấy rằng thì ra là họ cũng đi xe máy, và họ thấy rằng nếu họ làm con đường 4 làn xe thì chẳng ảnh hưởng gì cả.

Nếu một xã hội có nhiều phương tiện giao thông công cộng văn minh như xe bus, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, nhiều xe hơi hơn, chúng ta có thể sẵn sàng di chuyển ra vùng ven đô thành phố.

Xu thế này khiến cho mật độ dân cư nội đô giảm dần một khi mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn về nhà cửa thay vì cố gắng tìm một vị trí trung tâm như trước kia. Mặt bằng bất động sản cũng nhờ đó mà đồng đều hơn, giá nhà khu trung tâm giảm xuống.

Chúng ta sẽ có cơ hội quy hoạch lại khu vực trung tâm với những tòa nhà cao tầng mọc lên đủ sức chứa cho hàng nghìn hộ dân mà hoàn toàn hơn hẳn thẩm mỹ.

Chắc chắn rằng chỉ cần hai tòa cao ốc với năm mươi tầng có thể đủ sức chứa được hai phường ở Hà Nội hoặc TP.HCM, trong khi phần đất còn lại đủ để xây bãi đỗ xe và công viên cho tất cả mọi người.

Nhưng chiếc xe máy không cho phép chúng ta làm điều đó, chúng khiến tất cả mọi người co cụm lại ở một vị trí, chất lượng sống giảm xuống rất nhiều về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thứ ba, xe máy là kẻ thù của một nền văn minh. Xe máy đã giết chết thời trang và nghệ thuật ở Việt Nam. Nhờ có xe máy, hàng nhìn con người trẻ mới có thể tụ tập được ở Nhà Thờ Lớn, Ngã Ba, Ngã Tư thi nhau buôn chuyện.

Thuật ngữ trà chanh chém gió được ra đời. Bạn biết đấy, những cái gì được ví với gió sẽ hời hợt và không có độ sâu, những câu chuyện xung quanh cốc trà chanh thì cũng như vậy. Nếu các bạn đi bằng phương tiện công công văn minh, hoặc nếu sang hơn, đi xe hơi, sẽ không còn chốn cho những nơi vỉa hè như vậy.

Chắc chắn, tất cả mọi người sẽ trở lên tinh tế và lịch thiệp hơn trong cách giao tiếp với mọi người.

Đến đây, tôi xin làm một phép so sánh nhỏ mà ai cũng biết, một chiếc xe Toyota Yaris ở Thái Lan có giá bán khoảng 300 triệu, còn một chiếc xe SH ở Việt Nam có giá xấp xỉ 100 triệu.

Thử so sánh tất cả các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, công nghệ sản xuất, chi phí marketing, quảng cáo hình ảnh sản phẩm, tôi dám chắc rằng, giá thành sản xuất chiếc SH không có cửa để so sánh với chiếc ô tô kia, và rằng sản xuất xe máy ở Việt Nam lợi nhuận như thế nào.

Và tôi tin tưởng rằng nếu giá thành xe ở Việt Nam rẻ như ở Thái, chứ đừng nói tới Mỹ, thì thu nhập hằng năm là 5.000 USD hoàn toàn có thể sở hữu và nuôi được một chiếc xe hơi.

Phương tiện công cộng văn minh, xe hơi giúp bạn chống lại được với thời tiết khó chịu ở ta và tập trung im lặng trong xe suy nghĩ về những ước mơ hay cảm nhận cái đẹp, thay vì phóng như bay ngoài đường và rất nhiều người sẵn sàng dựng xe hung hãn tấn công người khác va vào xe họ (trời nắng nên nóng trong người mà).

Nếu ai đó còn bối rối về việc cơ sở hạ tầng của Việt Nam có cho phép việc có quá nhiều ô tô như vậy không thì tôi xin nói rằng, đó là bài toán về quả trứng và con gà. Bạn không thể cứ đợi cái này có rồi cái kia mới có được.

Sẽ chẳng bao giờ có những con đường 12-16 làn xe chạy đâu khi những nhà làm quy hoạch vẫn tư duy xe máy. Tắc đường ư? Có sao nào? Đã có CSGT. Nhưng áp lực sẽ ngày càng đè nặng lên CSGT và ngành giao thông. Họ sẽ không bao giờ giải quyết được nạn tắc đường nếu còn tư duy xe máy.

Trì trệ văn hóa ư? Nếu còn xe máy, thì văn hóa Việt Nam và tư tưởng tiểu nông trong kinh doanh chợ cóc, chợ tạm là một câu chuyện dài.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến cho chúng tôi ở box thảo luận dưới đây để góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

Patrick
Jika Anda menyukai Artikel di blog ini, Silahkan klik disini untuk berlangganan gratis via email, dengan begitu Anda akan mendapat kiriman artikel setiap ada artikel yang terbit di

0 comments: