Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định chủ trương cấm xe máy là hoàn toàn đúng đắn và cần triển khai càng nhanh càng tốt.
Sau khi VTC News đăng tải loạt bài về lộ trình cấm xe máy tại các thành phố lớn, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Không ít người tỏ ra phản đối vì cho rằng đó là phương tiện để mưu sinh, cấm xe máy đi lại bằng gì? Nhưng cũng rất đông ý kiến đồng tình với phương án phải ngay lập tức có lộ trình cấm xe máy để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho chính chúng ta.
Trả lời phỏng vấn VTC News, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, ông hoàn toàn đồng ý với chủ trương cấm xe máy ở các đô thị lớn.
“Tất nhiên khi đưa ra lộ trình cấm xe máy, Chính phủ cũng cần đưa các giải pháp đi kèm để không ảnh hưởng đến cuộc sống của phần đông người dân lao động đang dựa vào xe máy làm phương tiện kiếm sống hàng ngày”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Xe máy đang kéo lùi sự phát triển của Việt Nam
- Lộ trình cấm xe máy được Chính phủ đề ra từ năm 2011, song đến nay vẫn "giẫm chân tại chỗ", thậm chí xe máy ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Trước tiên, phải nói rằng cấm xe máy là một chủ trương lớn, về lâu dài là cần thiết và rất phù hợp. Để thực hiện được lộ trình này, theo tôi trước tiên phải làm rõ ai được hưởng lợi từ chủ trương đó, ai bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xe máy bị cấm?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Đương nhiên, cấm xe máy thì những người được hưởng lợi là người đi bộ, đi xe đạp, đi ô tô. Còn đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là những người đang sử dụng xe máy hàng ngày, đặc biệt những người sử dụng nó làm phương tiện để mưu sinh.
Vì thế, để thực hiện được chính sách này, cần tháo gỡ được những khó khăn của người dân, đặc biệt là của những người đang ngày ngày sống nhờ vào chiếc xe máy.
Chúng ta không thể nói cấm là cấm ngay được. Phải tìm được phương tiện thay thế xe máy.
Thậm chí, vẫn phải chấp nhận xe máy ở mức độ nào đó, chẳng hạn, chỉ coi xe máy là phương tiện lao động, không phải là phương tiện giao thông… Như thế người dân vẫn có thể kiếm sống bằng chiếc xe máy.
Có như vậy thì mới dễ tạo sự đồng thuận trong dân, lộ trình cấm xe máy mới có thể khởi động được.
- Trước hệ lụy từ việc bùng nổ xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tai nạn giao thông gia tăng hàng ngày..., theo ông, Việt Nam có nên ra lệnh cấm xe máy ngay lập tức như một số nước từng làm?
Quả thực, các nghiên cứu cho thấy, so với khí thải ô tô thì khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần và đang từng ngày gây nguy hiểm cho cuộc sống con người.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp, xe máy còn là thủ phạm của hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc mỗi năm… Đây thực sự là vấn nạn mà chúng ta đang phải đối mặt mà nếu không cấm xe máy sẽ khó giải quyết được.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp, xe máy còn là thủ phạm của hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc… Đây thực sự là vấn nạn chúng ta đang phải đối mặt mà nếu không cấm xe máy sẽ khó giải quyết được.
Việc cấm xe máy vì thế rất cần thiết. Tuy nhiên cần phải có lộ trình. Cần phải triển khai từ từ, từng bước một để người dân có thể chuyển đổi và thích nghi được.
Đơn giản là để họ tìm ra một loại phương tiện giao thông nào khác phù hợp và đáp ứng nhu cầu của họ. Không thể hôm nay nói cấm, ngày mai thi hành ngay được, làm như vậy là làm khó người dân.
Bước đầu, cần hạn chế loại phương tiện giao thông này. Sau đó khuyến khích người dân dịch chuyển sang phương tiện khác, rồi triển khai từng bước để cấm hẳn xe máy.
- Cụ thể, theo ông, cần có chính sách như thế nào để có thể nhận được sự ủng hộ của người dân trong việc cấm xe máy hiện nay?
Theo tôi, cần đề ra những giải pháp hợp lý, giải quyết được “tình thế” cho những người đang sử dụng xe máy hàng ngày, cụ thể là những người dùng xe máy để đi lại và những người dùng xe máy để lao động kiếm sống.
Thứ nhất, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ để đảm bảo được yêu cầu khi không còn phương tiện cá nhân là xe máy.
Tuy nhiên, muốn phát triển hệ thống giao thông công cộng, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể, khoa học để xây dựng một hệ thống giao thông công cộng tiên tiến. Không thể hô hào hoặc áp dụng những chính sách mà không thông qua công tác nghiên cứu và nắm bắt thực tế.
Thứ hai, phải vận động người dân chuyển sang sử dụng xe đạp và biến phương tiện này thành một phương tiện cá nhân thời thượng hơn. Để làm được điều này, có nhiều phương pháp, trong đó cần nhắc đến các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền người dân đi xe đạp thay vì đi xe máy như trước đây.
Các quan chức nên làm gương sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển. Có thể thấy rõ những lợi ích từ việc sử dụng xe đạp như bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe, giảm ùn tắc giao thông… từ đó, tạo sự đồng thuận từ quần chúng.
Thậm chí, để nhân rộng mô hình sử dụng xe đạp, các cơ quan, tổ chức cần cam kết cho các cán bộ, công nhân viên của mình đi xe đạp thay vì xe máy như hiện nay.
- Nhưng có thể nhiều người sẽ cho rằng nếu quay về “thời đại xe đạp" có nghĩa chúng ta đang tụt hậu. Trong tương lai, ngoài xe đạp thì chúng ta nên phát triển loại phương tiện thay thế nào nếu cấm xe máy, thưa ông?
Ngoài các phương tiện cá nhân như xe đạp, ô tô hay phương tiện công cộng như xe buýt, theo tôi cần thiết nhất phải có hệ thống tàu điện ngầm.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, tàu điện ngầm thực sự cần thiết với các thành phố lớn. Hơn nữa, khi chủ trương cấm xe máy được áp dụng thì tàu điện ngầm càng đóng vai trò quan trọng hơn trong giao thông đi lại của người dân.
- Theo ông, để chủ trương cấm xe máy dần được hiện thực hóa, ngoài việc phải có lộ trình cụ thể, có phương tiện thay thế, chuẩn bị tốt hạ tầng giao thông… thì việc cần làm ngay lúc này là gì?
Theo quan điểm của tôi, mọi chủ trương, chính sách muốn thi hành được cần phải có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, đồng thời dựa trên những nghiên cứu, đánh giá thực tế và có cơ sở.
Đối với chủ trương cấm xe máy, khi chưa thể có sự đồng thuận cao, chúng ta có thể bắt đầu từ việc đánh thuế đối với người dân về mức độ gây ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông mà họ sử dụng.
Khi đánh thuế mức độ gây ô nhiễm môi trường, thì xe máy là một trong những phương tiện sẽ chịu mức thuế rất cao khi tác hại của nó với môi trường là rất lớn. Do đó, người dân cũng sẽ phải cân nhắc hơn khi sử dụng xe máy trong lưu thông.
Bên cạnh đó, như tôi đã nói, chúng ta cần tạo thói quen đi xe đạp và khuyến khích nó trở thành một phương tiện thời thượng. Ở một số nước phương Tây, việc đi xe đạp là thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với môi trường và Việt Nam cũng nên tư duy như vậy.
- Tuy nhiên, để người dân nhận thức rõ vấn đề này là không đơn giản nên lộ trình cấm xe máy vì thế vẫn hết sức gian nan, thưa ông?
Để làm được những việc trên thì truyền thông đóng vai trò lớn trong quá trình vận động cũng như như kêu gọi sự ủng hộ của người dân đối với chủ trương cấm xe máy.
Các phương tiện truyền thông đại chúng cần chỉ ra những mặt tiêu cực của việc sử dụng xe máy. Sự tiêu cực đó thể hiện qua các con số về mức độ gây ô nhiễm môi trường như thế nào ở các thành phố; Xe máy là thủ phạm gây ùn tắc giao thông khủng khiếp như thế nào? ra sao; Hàng năm, có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, làm bao nhiêu người tử vong, bị thương?...
Tất cả những vấn đề trên đều phải nêu ra bằng các con số cụ thể, từ đó sẽ là những luận cứ thuyết phục để người dân nhận ra được những mặt tiêu cực của xe máy trong giao thông hiện nay.
Truyền thông phải giúp người dân thấy được rằng, khi sử dụng xe máy thì họ đang đầu độc chính bản thân họ từng ngày từng giờ.
Không có cách nào tốt bằng việc để chính người dân nhận thấy việc sử dụng xe máy là đặc biệt nguy hiểm với chính bản thân họ. Loại bỏ xe máy trước tiên vì chính sự an toàn, vì lợi ích của chính họ. Như vậy thì không cần ra lệnh cấm, xe máy vẫn không có cơ hội phát triển thêm.
Hoàng Chiến (thực hiện)
0 comments:
Post a Comment