Lúng túng quản lý xe đạp điện, xe máy điện

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những quy định cụ thể để quản lý xe đạp điện, xe máy điện nhưng số lượng xe điện nhập lậu, trôi nổi trên thị trường vẫn diễn ra nhan nhản và có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Xe hợp pháp chiếm chưa tới 10%

Xe hai bánh chạy điện được bày bán trên thị trường. (Ảnh: Q.Tấn)

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), hiện nay có hơn 61.329 xe đạp điện, xe máy điện hợp pháp đang lưu thông. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 8,7% so với số xe máy, xe đạp điện đang lưu thông trên cả nước (theo số liệu không chính thức do cơ quan Công an công bố hiện đã có khoảng 700.000 xe). Qua đó có thể thấy công tác quản lý xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu và xe nội địa đang tồn tại nhiều bất cập.

Tính riêng xe máy điện, theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm- Bộ Giao thông vận tải, tính đến 31/7/2014 có 3.298 xe được lắp ráp, xuất xưởng hợp pháp; 773 xe nguyên chiếc nhập khẩu (tổng cộng 4.071 chiếc) nhưng mới có 70 xe được đăng ký biển kiểm soát. “Con số này quá nhỏ so với số xe Nhà nước đang quản lý, đó là chưa tính đến số xe lậu đang được người dân sử dụng trôi nổi hiện nay”- ông Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt cho biết.

Theo một số cơ quan chức năng, cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với các mặt hàng này đã được ban hành khá đầy đủ để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng; quản lý nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; đăng ký và gắn biển cho phương tiện. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy các bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng.

Khó trong quản lý

Ông Đỗ Thanh Lam Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: “Các văn bản pháp luật đã quy định đầy đủ nhưng cơ quan nhà nước chưa quản chặt được là vì đã có nhiều xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu, lưu hành trước thời điểm văn bản pháp luật có hiệu lực”. Có thể kể đến Thông tư 41/2013/TT- BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, quy định rõ việc dán tem hợp quy đối với phương tiện xe đạp điện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp có hiệu lực từ 1/1/2014. Tuy nhiên, trước thời điểm này nhiều xe đạp điện đã được nhập khẩu, lắp ráp vẫn còn tồn kho, chưa được cơ quan chức năng quản lý (số xe này chưa dán tem và chưa được cơ quan chức năng kiểm kê số lượng) nên một số cơ sở sản xuất, cửa hàng đã quay vòng xe trong kho và xe bán ra thị trường để hợp thức hóa xe nhập lậu. Thủ đoạn của các cơ sở kinh doanh phi pháp này là kê khai số lượng xe nhập lậu trong kho là xe nhập khẩu trước thời điểm 1//2014. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát được số xe đạp điện đang tồn kho tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thì xe đạp điện nhập lậu tại các cửa hàng sẽ vẫn được đưa ra thị trường”.

Đối với toàn bộ xe hai bánh chạy điện nhập khẩu, mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có công văn số 10609/BTC-TCHQ yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại thông báo số 259/TB-VPCP ngày 7/7/2014. Theo đó, Cục Hải quan tỉnh, thành phố áp dụng điều kiện về giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với toàn bộ xe hai bánh chạy điện nhập khẩu. Chỉ thông quan xe hai bánh điện nhập khẩu khi người khai hải quan xuất trình và nộp cho cơ quan Hải quan giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.

Tuy nhiên, vấn đề phân biệt đâu là xe đạp điện, xe máy điện đang trở thành “bài toán” làm đau đầu cơ quan chức năng. Sở dĩ vậy là do quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT về xe máy điện và QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện của Bộ GTVT còn thiếu các quy định chi tiết về kết cấu, bộ phận xe. Cụ thể, quy chuẩn kỹ thuật về xe máy điện quy định xe máy điện có công suất lớn nhất không hơn 4kW, vận tốc không hơn 50km/h; quy chuẩn về xe đạp điện quy định xe có công suất lớn nhất không hơn 250W, có vận tốc không lớn hơn 25km/h, khối lượng không hơn 40kg. Chia sẻ về những hạn chế trong quy định, ông Trần Kỳ Hình cho biết: “Nhiều xe máy điện được lắp thêm bàn đạp vào để trở thành xe đạp điện nhưng các chỉ tiêu về công suất, tốc độ không đổi. Họ làm vậy để thông quan hàng hóa dễ, trốn đăng ký và kiểm soát tại cửa khẩu”. Theo ông Nguyễn Hữu Dánh, với những quy chuẩn kỹ thuật trên: “Cán bộ làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông rất khó khăn trong việc phân biệt bằng cảm quan 2 loại xe này”.

Lỗ hổng hàng lậu

Hiện công tác xử lý đối với xe máy điện, xe đạp điện nhập lậu cũng tạo kẽ hở cho đối tượng buôn lậu. Ông Đỗ Thanh Lam chia sẻ: “Hàng hóa nhập lậu, trong đó có xe máy điện, khi bị bắt sau đó sẽ được phát mại. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phát mại rồi thì phải ghi nhãn như thế nào đối với số xe này để các đối tượng phi pháp không lợi dụng để nhập tiếp những đợt xe máy điện, xe đạp điện khác. Hôm nay thu được 100 xe để bán ra thì các đối tượng làm ăn phi pháp lại dùng hóa đơn phát mại của cơ quan chức năng hợp thức hóa cho rất nhiều loại xe lậu khác”. Ông Lam cũng kiến nghị nên sửa đổi Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để giải quyết vấn đề quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu trong 72 giờ.

Tại cuộc họp về tăng cường biện pháp quản lý và sử dụng xe máy điện do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức vừa qua, đại diện Bộ Công an cho biết, trên thực tế, thị trường xe máy điện hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Do vậy, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật để phân biệt xe máy điện và xe đạp điện, có tem quy định rõ ràng. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất xe máy điện, yêu cầu mỗi xe máy điện bán ra thị trường cần có đầy đủ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Cũng về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ghi nhãn phương tiện để dễ dàng quản lý.

Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ đưa ra khái niệm xe máy điện là gì một cách đơn giản, dễ hiểu để người dân hiểu được; báo cáo Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan không thu phí trước bạ, cho phép người dân tự kê khai đăng ký, tự chịu trách nhiệm, thủ tục đăng ký đơn giản, có lộ trình tạo điều kiện cho người sử dụng tự giác đến đăng ký. Đối với xe sản xuất, lắp rắp trong nước, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra và xác định chất lượng. Đối với số phương tiện hiện nay chưa bán ra, yêu cầu doanh nghiệp tự kê khai xong trước ngày 31/12/2014. Từ ngày 1/7/2015, tất cả những người sử dụng xe máy điện mà chưa đăng ký sẽ thực hiện xử phạt theo đúng quy định.

Tính đến thời diểm 26-5-2014 mới có 3 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp (3 kiểu loại, 600 xe) và 3 doanh nghiệp nhập khẩu (5 kiểu loại, 174 xe) xe máy điện, 2 doanh nghiệp nhập khẩu mô tô điện (2 kiểu loại, 6 xe) đưa xe đến kiểm định chất lượng khi nhập khẩu, sản xuất lắp ráp.

Tính từ ngày Thông tư 41/2013/TT-BGTVT có hiệu lực (1-1-2014) đến ngày 26-5-2014 có 13 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp (23 kiểu loại, 24.162 xe) và 4 doanh nghiệp nhập khẩu (4 kiểu loại, 128 xe) xe đạp điện đưa xe đến kiếm định chất lượng chiếm tỷ lệ nhỏ so với số phương tiện đang lưu hành trong thực tế (khoảng 700.000 xe).

Theo Quang Tấn
Hải quan Online
Jika Anda menyukai Artikel di blog ini, Silahkan klik disini untuk berlangganan gratis via email, dengan begitu Anda akan mendapat kiriman artikel setiap ada artikel yang terbit di

0 comments: