Tình hình Ukraine: Cuộc đấu khí đốt Nga - Mỹ

Sau khi Nga dọa sẽ cắt khí đốt sang châu Âu, Mỹ đang thúc đẩy việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Nga.

Dường như cuộc khủng hoảng tại Ukraine được xem là điềm báo về sự nổi lên của kỷ nguyên ngoại giao năng lượng mới của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Barack Obama dường như đang tìm cách mở rộng thị trường khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí để giảm bớt ảnh hưởng của Nga tại Ukraine và châu Âu.

Các công ty xuất khẩu khí đốt nhanh chóng xây dựng các hải cảng để xuất khẩu khí tự nhiên.

Các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn như ExxonMobil hối thúc chính quyền Obama tăng tốc độ xuất khẩu dầu và khí tự nhiên dù Washington chưa từng xuất khẩu khí đốt. Bộ Năng lượng Mỹ bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ năm 2015.

Song song đó, các công ty xuất khẩu khí đốt nhanh chóng xây dựng các hải cảng để xuất khẩu khí tự nhiên ở dạng hóa lỏng vận chuyển bằng tàu chở dầu.

Tuy nhiên, hoạt động chuẩn bị này sẽ phải mất ít nhất một vài năm. Hầu hết các thiết bị đầu cuối phục vụ cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ đang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng.

Như vậy, Ukraine và Đông Âu có thể nhận được nhiều khí đốt từ Bắc Phi, trong đó có Libya và Algeria; từ Đông Phi hoặc Địa Trung Hải trong vài năm tới. Washington cũng hy vọng Croatia sẽ xây dựng các thiết bị đầu cuối vốn có thể giúp Hungary, Slovenia và có lẽ cả Ukraine.

Các cuộc cách mạng khí đốt tự nhiên của Mỹ đã đẩy mạnh khả năng cạnh tranh kinh tế, góp phần giảm thiểu khí thải carbon của Mỹ xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu Mỹ sẽ tận dụng điều này để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình trong tình thế hiện nay hay không.

Hãng Reuters nhận định việc cho phép một nguồn cung khí đốt ổn định từ Mỹ đến châu Âu sẽ có lợi cho cả hai khu vực, xét về mặt địa chính trị, môi trường lẫn vấn đề kinh tế. Điều đó sẽ thúc đẩy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và tạo thế thống nhất trong phản ứng giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đối với động thái can thiệp quân sự ở Crimea của Nga.

Động thái của Mỹ diễn ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Nga tuyên bố "không muốn có cuộc chiến tranh lạnh mới" nhưng đe dọa cắt đứt nguồn khí đốt cho châu Âu bởi những bất đồng liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Moscow đe dọa ngừng bán khí đốt cho Ukraine do Kiev không có khả năng thanh toán các khoản nợ chồng chất cho Nga.

Trước đó, Tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom cho biết, Ukraine không thể thanh toán khoản nợ kếch xù lên tới 2 tỷ USD. Do đó, Gazprom sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Kiev. Điều này có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt cho toàn châu Âu.

Đây dường như là đòn “trả đũa” đối với cảnh báo thắt chặt trừng phạt Nga của liên minh châu Âu.

Ukraine là một trong những tuyến đường vận chuyển khí đốt chính của châu lục. Năm 2006 và 2009, việc Gazprom đình chỉ xuất khẩu khí đốt đã đe dọa các lưới điện quốc gia và gây ra tình trạng leo thang giá mạnh.

“Chúng tôi không thể cung cấp khí đốt miễn phí. Hoặc là Ukraine thanh toán nợ hoặc là trả khoản tiền hàng hiện tại nếu không họ sẽ phải đối mặt với những gì từng xảy ra đầu năm 2009”, người đứng đầu Gazprom, ông Alexey Miller nhấn mạnh.

Các chuyên gia năng lượng cảnh báo, Nga có đòn bẩy để gây rối loạn thị trường trên khắp châu Âu dù nhu cầu cao điểm nhất về khí đốt là vào mùa đông đã qua.

"Châu Âu phụ thuộc nặng nề - với một số quốc gia phụ thuộc 100% - vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Và nếu nguồn cung cấp khí đốt đột ngột bị gián đoạn, châu Âu sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn", cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh Lord Howell nhấn mạnh.Thảo My (Tổng hợp)
Jika Anda menyukai Artikel di blog ini, Silahkan klik disini untuk berlangganan gratis via email, dengan begitu Anda akan mendapat kiriman artikel setiap ada artikel yang terbit di

0 comments: