Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang lỗ vài trăm đồng cho mỗi lít xăng, dầu bán ra nhưng mức chiết khấu dành cho đại lý vẫn duy trì như cũ, 700 đồng/lít. Theo bảng tính giá cơ sở ngày 18-2 đăng tải trên trang web của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện lỗ 234 đồng/lít xăng; 175 đồng/lít dầu diesel; 137 đồng/lít dầu hỏa và 23 đồng/kg dầu madut.
Đây là mức lỗ khi công thức tính giá cơ sở theo quyết định điều hành ngày 10-2 (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí… làm cơ sở tính giá bán lẻ) chỉ cho áp dụng 100 đồng/lít lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (thấp hơn 200 đồng so với quy định) và mặt hàng dầu hỏa, dầu madut được sử dụng quỹ bình ổn giá lần lượt là 40 đồng/lít và 200 đồng/kg như quyết định điều hành của cơ quan chức năng ở thời điểm hiện tại.
Cũng theo Vinpa, nếu tính đúng, tính đủ như công thức của Bộ Tài chính (tức lợi nhuận định mức của các mặt hàng đồng loạt là 300 đồng/lít,kg) và không được sử dụng quỹ bình ổn giá, mức lỗ của doanh nghiệp đầu mối còn lên tới 454 đồng/lít (đối với xăng); 397 đồng/lít (dầu hỏa) và 187 đồng/kg (dầu madut).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng xác nhận, mức lỗ của các mặt hàng dao động từ 100-200 đồng/lít, như tính toán của Vinpa.
Theo đại diện đầu mối này, từ ngày 10-2, thời điểm giảm giá 110 đồng/lít dầu diesel, đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường liên tục tăng với mức biến động phiên sau cao hơn phiên trước đó gần 1 đô la Mỹ/thùng.
Ở phiên giao dịch gần nhất, ngày 18-2, giá RON92 là 117,84 đô la Mỹ/thùng; DO 0,05S là 124,43 đô la Mỹ/thùng; dầu hỏa là 123,35 đô la Mỹ/thùng và FO 3,5S là 613,78 đô la Mỹ/tấn. Giá biến động tăng từng ngày khiến giá bình quân 30 ngày cũng tăng theo, tác động đến giá cơ sở.
Chính vì vậy, theo đại diện đầu mối kể trên, họ đang chờ động thái từ cơ quan quản lý. “Thời gian giãn cách giữa hai lần điều hành là 10 ngày. Lần điều chỉnh giá gần nhất là ngày 10-2. Vì vậy chúng tôi dự đoán trong nay, mai sẽ có quyết định điều hành. Không biết lần này là tăng giá hay sử dụng quỹ bình ổn?”, vị đại diện này nói.
Trong khi đó, cũng theo đại diện đầu mối kể trên, chiết khấu dành cho các đại lý xăng dầu hiện nay vẫn duy trì mức 700 đồng/lít. Đây là mức chiết khấu đã áp dụng gần tháng nay, dù giá dầu diesel đã giảm hai lần với mức tổng cộng 430 đồng/lít còn các mặt hàng khác cũng đã điều chỉnh mức sử dụng quỹ bình ổn giá.
Xăng dầu nhập khẩu giảm mạnh về lượng và giá
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2-2014, lượng xăng, dầu nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.Cụ thể, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 29.000 tấn xăng với giá bình quân 1.011 đô la Mỹ/tấn; hơn 95.800 tấn dầu DO (giá bình quân 906,5 đô la Mỹ/tấn).
Đây đều là những con số thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2013 cả về lượng và giá. Vào nửa đầu tháng 2 năm ngoái, xăng nhập khẩu lên tới hơn 62.400 tấn với giá bình quân 1108 đô la Mỹ/tấn còn dầu DO là gần 129.000 tấn với giá bình quân 962,9 đô la Mỹ/tấn.Trong khi đó, giá bán lẻ trong nước ở cùng thời điểm tháng 2 của năm 2014 lại cao hơn khá nhiều so với giá năm 2013.
Theo đó, vào tháng 2-2013, xăng A92 bán lẻ 23.150 đồng/lít; dầu diesel 21.550 đồng/lít và dầu hỏa là 21.600 đồng/lít. Còn cùng kỳ năm nay, giá các mặt hàng trên lần lượt là 24.210 đồng/lít; 22.530 đồng/lít và 22.400 đồng/lít.
0 comments:
Post a Comment