Nhìn về mục tiêu phát triển năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc khẳng định quyết tâm đưa tinh thần Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh phong trào sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo mọi mặt đời sống của cán bộ và nhân dân.
Năm 2013 kinh tế cả nước đang có những khó khăn, trở ngại vậy mà Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đã vượt chỉ tiêu và công suất thiết kế xuất nhập khẩu hàng hóa. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Chủ tịch Lê Hữu Lộc : Cảng Quy Nhơn là 1 trong 10 cảng biển quan trọng của quốc gia và là cảng lớn của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Năm 2013, lượng hàng hóa thông quan qua cảng đạt 6,7 triệu tấn, vượt kế hoạch 0,7 triệu tấn.
Điều này cho thấy sự phát triển cũng như việc khẳng định uy tín, thương hiệu của đơn vị trong hệ thống cảng biển Việt Nam và thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định và các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Tây nguyên.
Không những thế, sự phát triển của cảng Quy Nhơn cũng tạo nền tảng vững chắc để Bình Định tiếp tục khai thác, phát triển có hiệu quả ngành kinh tế biển, lĩnh vực đầy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh hiện tại và trong tương lai, qua đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu, tạo sự thông thương trong lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông-Tây, Tiểu vùng Mekong và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Lê Hữu Lộc. Ảnh: VGP
Bình Định cũng đang đề xuất với các bộ, ngành nghiên cứu để hỗ trợ cho việc mở rộng và nâng công suất XNK hàng hóa ở Cảng Quy Nhơn; đồng thời lập kế hoạch xây dựng cảng nước sâu để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, xuất hàng ngày càng tăng ở địa phương và các tỉnh, các nước bạn láng giềng.
Dư luận trong nước rất quan tâm đến Dự án lọc dầu Nhơn Hội. Ông có thể chia sẻ về những vấn đề xung quanh dự án này?
Ông Lê Hữu Lộc : Sau thời gian dài khảo sát, nghiên cứu và đàm phán, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) chính thức có văn bản xin đăng ký đầu tư Tổ hợp Nhà máy lọc, hóa dầu tại KKT Nhơn Hội với quy mô diện tích 2.000 ha, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 30 triệu tấn sản phẩm/năm), tổng vốn đầu tư khoảng 28 tỷ USD từ các nguồn vốn của PTT, các đối tác chiến lược và đối tác của Việt Nam.
Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 11 sản phẩm lọc dầu như LPG, xăng 92, 95, Jet A1, dầu DO… và 10 sản phẩm hóa dầu khác gồm LLDPE, Poly-propylene, DEG… Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á.
Nhà đầu tư đã lập Báo cáo tiền khả thi và được Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan thống nhất. Hiện nay, nhà đầu tư đang thuê các đơn vị tư vấn lập dự án, trong đó có tư vấn về tài chính, về thị trường, về công nghệ và tư vấn về môi trường để hoàn tất, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2014.
Dự kiến, đến năm 2015, nhà đầu tư sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị đầu tư, năm 2016 khởi công xây dựng, năm 2020 hoàn thành, đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định.
Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ có những tác động mạnh đến kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Định, góp phần tăng nhanh GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp-dịch vụ; tăng nhanh nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và tạo ra nhiều việc làm cả trực tiếp và gián tiếp trong suốt quá trình thi công và vận hành nhà máy.
Nhằm giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập dự án, UBND tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, tài chính, kỹ thuật lọc, hóa dầu ở trong nước để phối hợp, hướng dẫn, cung cấp các thông tin có liên quan cho chủ đầu tư và giúp UBND tỉnh kiểm tra, đánh giá tính khả thi của dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Cùng với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, những tháng cuối năm 2013, Bình Định đã hứng chịu nhiều cơn lũ lớn, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân địa phương. Vậy đến nay công tác khắc phục và ổn định cuộc sống cho nhân dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới như thế nào?
Ông Lê Hữu Lộc: Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài việc thăm hỏi, động viên, tỉnh đã tiến hành phân bổ kịp thời 6.000 tấn gạo, không để người dân bị đói và thiếu gạo ăn, nhất là các hộ bị thiệt hại nặng, các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tỉnh đã bố trí nơi ăn ở tạm cho các hộ có nhà bị sập hoàn toàn và phối hợp với Sở LĐTBXH thực hiện hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà ở chính bị đổ, sập, trôi hoàn toàn 20 triệu đồng/nhà; nhà ở bị hư hỏng từ 50% đến dưới 70% được hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà. Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ địa phương, đoàn viên thanh niên đã giúp nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, trường lớp... để sớm ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân.
Quán triệt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy Đảng và chính quyền Bình Định đang tập trung mọi nỗ lực hỗ trợ cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, các đối tượng chính sách nhanh chóng ổn định cuộc sống, để mọi nhà, mọi người đều có Tết.
Bước sang năm mới 2014, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Bình Định tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm biến tinh thần Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ thành hành động, việc làm cụ thể, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân.
Lê Minh Hùng thực hiện
0 comments:
Post a Comment