Đối đầu căng thẳng giữa Nga và Liên minh châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đang trở thành “động lực” để Liên minh châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc đã kéo dài hàng thập kỷ qua vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh những nỗ lực tự phát triển nguồn cung cấp năng lượng, Liên minh châu cũng đang nhắm tới đối tác Mỹ-quốc gia vốn có nguồn tài nguyên dồi dào.
Căng thẳng giữa Nga và EU liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine (Ảnh: Getty)
Liên minh châu Âu và Mỹ từ đầu tuần qua đã tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương tại Brussels- Bỉ. Tại đây các nhà đàm phán Liên minh châu Âu đã nhắc đến hợp tác năng lượng, nhằm “gây sức ép” để Mỹ chấp thuận một khuôn khổ cho phép khối này tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn cung cấp khí ga hóa lỏng của Mỹ.
Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Karel de Gucht nhận định: “Liên minh châu Âu đang bị phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ bên ngoài, đặc biệt là từ Nga. Liệu có một giải pháp nào dễ dàng hơn cho vấn đề này? Một trong những câu trả lời chính là cuộc đối thoại mà chúng tôi đang tiến hành với Mỹ để có thể nhập khẩu khí đốt của Mỹ”.
Châu Âu từng trải qua cuộc khủng hoảng khí đốt những năm 2006 và 2008 vì tranh cãi giữa Nga- nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu và Ukraine- là nơi đặt các đường ống khí đốt trung chuyển chính từ Nga tới Liên minh châu Âu. Kịch bản về một cuộc khủng hoảng khí đốt mới chính là điều mà Liên minh châu Âu đang phải đối mặt, đặc biệt khi khối này và Nga đang ở 2 thái cực khác nhau trong giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Liên minh châu Âu và Mỹ đã cảnh báo những trừng phạt mạnh tay hơn nữa nhằm vào Nga nếu khủng hoảng Ukraine và bất ổn trên Bán đảo Crimea không lắng dịu. Diễn biến mới nhất là bằng chứng về căng thẳng đối đầu Đông-Tây leo thang chưa từng có kể từ thời Chiến tranh lạnh. Không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ không sử dụng “quân bài khí đốt” để đáp trả trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Cuộc đàm phán thương mại Liên minh châu Âu-Mỹ dự kiến kết thúc trong ngày mai, song khó có thể có được kết quả cụ thể. Khi những vòng đàm phán như vậy thường phải kéo dài trong nhiều năm. Một thỏa thuận hợp tác năng lượng với Liên minh châu Âu cũng là điều mà nhiều nhà chính trị Mỹ phải cân nhắc thận trọng, vì việc cung cấp khí đốt cho châu Âu cũng đồng nghĩa với việc đẩy giá năng lượng trong nước tăng cao.
Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Karel de Gucht cũng phải thừa nhận những khó khăn của vòng đàm phán:“Chúng tôi yêu cầu một thỏa thuận năng lượng trong vòng đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương, bởi vì chúng tôi muốn tiếp cận tự do với các công ty và các nguồn cung cấp khí đốt của Mỹ.
Ông Gucht cho biết thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi luôn lưu ý một vấn đề là việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu sẽ khiến mức giá tăng cao gấp đôi. Đây có thể không phải là giải pháp cho tất cả, song tôi cho rằng, điều quan trọng là việc Liên minh châu Âu đang tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng phong phú”.
Mỹ và Liên minh châu Âu đặt lộ trình ký kết Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, các nhà đàm phán đến nay vẫn không bảo đảm sẽ đạt được mục tiêu này.
Đối với châu Âu, hiệp định này có thể tạo thêm nửa triệu việc làm và đem lại 119 tỷ euro mỗi năm cho nền kinh tế của cả khối. Với Mỹ, nền kinh tế cũng sẽ thu về 95 tỷ euro.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp ảnh hưởng đến thị trường lao động, thì đây rõ ràng là một cơ hội lớn cho hai bên cải thiện tình hình. Song, cuộc khủng hoảng bùng phát ngoài dự đoán tại Ukraine và dẫn đễn căng thẳng với Nga, đang buộc Liên minh châu Âu phải cân nhắc lại hành động của mình trong quan hệ với Nga và cả trong bàn đàm phán với Mỹ./.
Hoàng Lê/VOV- Trung tâm Tin
(Tổng hợp)
0 comments:
Post a Comment