Nga đã từng ngừng nguồn cung khí đốt sang châu Âu trước đây, nhưng trong mâu thuẫn hiện nay về vấn đề Ukraine, Nga sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về việc có nên dùng khí đốt như một công cụ chính trị hay không.
Trong quá khứ, Nga đã từng cắt nguồn cung sang Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2009, sau khi không đạt được thỏa thuận về giá và thuế với Kiev, khiến cho khu vực Balkans rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng và gây ra các vấn đề kinh tế cho các quốc gia trong khu vực như Hungary và Slovakia.
Hiện nay gần một nửa lượng khí đốt của Nga sang EU đi qua Ukraine và Gazprom đã đe dọa sẽ lặp lại khủng hoảng năng lượng 2009 nếu Ukraine không trả hết nợ - vốn là một lý do Nga dùng để gây sức ép cho Ukraine và EU.
Tuy nhiên, lịch sử sẽ khó có thể lặp lại vì tình hình hiện nay khác khá nhiều so với 2009. Dưới đây là 4 lý do khiến mối đe dọa cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga trở nên yếu thế.
1. Lợi ích kinh tế: Thực tế, nền kinh tế vốn đang suy yếu của Nga phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt - chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm. Vì vậy, hậu quả của việc ngừng cung cấp dầu, khí sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho Nga nhiều hơn bất cứ ai.
Chính phủ Nga đã dự đoán rằng tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm 2% trong năm nay, và việc ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến tình hình tệ hơn nữa. Tổng lượng khí đốt Gazprom xuất khẩu mỗi năm là khoảng 66 tỉ USD, chiếm tới 13% tổng giá trị xuất khẩu của Nga (khoảng 515 tỉ USD).
Hiện tại nền kinh tế của Nga đã yếu hơn so với năm 2009. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng khoảng 1,3% trong năm 2013, thấp hơn năm 2012 (3,4%). Rất nhiều nhà dự đoán hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn vào năm 2014, nhưng khủng hoảng tại Ukraine đã khiến các nhà phân tích sợ rằng kinh tế Nga sẽ phải vật lộn để tăng trưởng.
2. Khí hậu ấm hơn: hiện tại ở châu Âu đang là mùa xuân và sắp tới khí hậu sẽ ấm hơn, dẫn tới nhu cầu khí đốt để sưởi ấm trong nhà sẽ giảm xuống. Vì vậy, các quan chức biết rất rõ rằng sự cắt giảm nguồn cung khí đốt trong giai đoạn hiện nay sẽ không còn có tác dụng như vào năm 2009, khi nguồn cung bị cắt giữa mùa đông.
Nhà phân tích năng lượng của Tổ chức Á - Âu Emily Stromquist cho rằng nếu Nga cắt giảm nguồn cung thì sự thiếu hụt sẽ diễn ra trong vài tuần tiếp theo, khi Ukraine và Nga cố gắng đàm phán giá khí đốt trong quý 2/2014.
3. EU đã chuẩn bị các nguồn dự trữ khí đốt: một mùa đông ấm hơn ở châu Âu sẽ tạo điều kiện để các nước xây dựng kho dự trữ khí đốt, giúp họ có thể ứng phó thuận lợi hơn với sự thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn.
Oswald Clint - nhà phân tích kỳ cựu tại Sanford Bernstein ước tính nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt, kho dự trữ của EU vẫn có thể duy trì nhu cầu khu vực trong hơn 1 tháng, gấp đôi thời gian diễn ra việc ngừng cung ứng vào năm 2009. Dữ liệu mới nhất của tập đoàn Gas Infrastructure Europe, vốn đại diện cho những doanh nghiệp vận hành đường ống dẫn khí đốt, cho thấy các nguồn dự trữ của EU đã đạt 47% tổng dung tích, lớn hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm qua.
4. Mối đe dọa từ khí đá phiến: các lãnh đạo châu Âu đã luôn tìm cách để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga bằng việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế khác như là khí đá phiến.
Và trong khi ngành công nghiệp khai thác khí đá phiến chỉ mới phát triển thì bất cứ sự suy giảm nguồn cung nào từ Nga cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa năng lương, tạo động lực phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ tới.
“Điều này sẽ chỉ khiến Nga thiệt hại nhiều hơn trong cuộc chạy đua lâu dài vì nó thúc đẩy các nước khác dứt khỏi nguồn khí đốt của Nga”. “Gazprom là con ngỗng vàng của chính phủ Nga. Nếu trong 5-10 năm tới, Đông Âu có thể giảm nhu cầu năng lượng vào Nga thấp hơn hiện nay thì Nga sẽ thiệt hại rất nhiều trong dài hạn”, Pavel Molchanov - nhà nghiên cứu năng lượng tại Raymond James đã nhận định như vậy.
0 comments:
Post a Comment