Giá xăng dầu thế giới tiếp tục đứng ở mức thấp. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại đang cho doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, với mức xả 300 đồng/lít xăng.
Vài ngày sau khi giá xăng được Bộ Tài chính cho phép tăng lên thêm tối đa 180 đồng/lít (19-3), các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn được duy trì mức chiết khấu bán lẻ rất cao. Theo thông tin từ các đại lý bán lẻ xăng dầu, chiết khấu cho mặt hàng xăng đang ở mức 600-700 đồng/lít. Các mặt hàng dầu còn được chiết khấu lên đến mức 700-800 đồng/lít. Các đại lý thừa nhận đang sống “tốt”, không còn tình trạng đại lý phải sống dở chết dở vì chiết khấu quá thấp, không đủ bù chi phí như trước đây.
Theo Hiệp hội Xăng dầu VN, tính đến ngày 24-3 giá xăng A92 giao dịch tại thị trường Singapore vẫn tiếp tục đứng ở mức thấp, chỉ 115,01 USD/thùng. Trước đó, phiên giao dịch ngày 20-3, giá xăng chỉ chốt ở mức 114,29 USD/thùng. Theo tính toán dựa trên công thức tính giá cơ sở trung bình 30 ngày từ ngày 24-3 trở về trước, giá cơ sở xăng A92 đang ở mức 24.880 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu VN đang là 24.690 đồng/lít.
Với mức chênh lệch chỉ 190 đồng/lít cùng với việc được xả quỹ bình ổn giá tới 300 đồng/lít nên doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có lời từ quỹ bình ổn giá 110 đồng/lít. Do trong giá cơ sở, doanh nghiệp đầu mối có lợi nhuận định mức 150 đồng/lít nên tổng cộng mặt hàng xăng A92, doanh nghiệp đầu mối có thể có lời 260 đồng/lít. Ở mặt hàng dầu DO, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang lời (gồm cả khoản lời từ chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ và lợi nhuận định mức) 450 đồng/lít, dầu hỏa lời 230 đồng/lít và dầu FO là 470 đồng/kg.
Một chuyên gia trong ngành xăng dầu phân tích, điều hành xăng dầu trong thời gian gần đây thường không theo nguyên tắc nào. Lần gần nhất, khi giá xăng dầu thế giới đang giảm, giá trong nước lại tăng thêm 180 đồng/lít. Bộ Tài chính cũng cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được xả quỹ bình ổn giá xăng 300 đồng/lít. Trong khi đó, theo nghị định 84, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được xả khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở tăng trên 7%. Cụ thể, nếu các yếu tố cấu thành giá cơ sở tăng trên 7% đến 12%, doanh nghiệp đầu mối được tăng giá 7%, phần chênh lệch còn lại sẽ chia ra, 60% cho tăng giá và 40% sử dụng quỹ bình ổn.
Kỳ vọng giá cả sẽ linh hoạt và bám sát giá thế giới hơn được đặt vào nghị định 84 sửa đổi. Tuy nhiên, dù đã hoàn thành vào tháng 11-2013 và đã trình Chính phủ nhưng đến nay nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành. Theo các chuyên gia, để tránh xảy ra tình trạng giá trong nước lệch pha so với giá thế giới, nghị định 84 sửa đổi cần phải sớm được ban hành theo hướng rút ngắn thời gian tính giá cơ sở để giá trong nước bám sát giá thế giới và đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Không thể thuế phí vẫn thu hơn 9.200 đồng/ lít xăng, đại lý vẫn hưởng hoa hồng cao chót vót, doanh nghiệp đầu mối được đảm bảo lợi nhuận bằng khoản lợi nhuận định mức nhưng tiền của người tiêu dùng để trong quỹ lại được lấy ra xài không theo nguyên tắc nào.
BẠCH HOÀN
0 comments:
Post a Comment