Nhiều doanh nghiệp vận tải khẳng định chưa điều chỉnh tăng giá trong thời gian này, dù chỉ trong gần một tháng qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có hai lần điều chỉnh giá với mức tăng gần 500 đồng/lít sau quyết định của liên bộ Tài chính-Công Thương
Vào thời điểm kinh tế còn đang khó khăn thì việc tăng giá xăng lúc này có ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp vận tải. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp đứng trước bài toán chịu thiệt hay tăng giá cước.
Chị Nguyễn Hiền Lương, đại diện Công ty cổ phần Thương mại kỹ thuật và xây dựng Hà Nội (Hanoitrans) cho biết, tuy giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng 1-5% giá thành vận tải nhưng khi giá xăng tăng thì doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí này.
Tùy từng loại hình vận tải mà việc tăng giá xăng sẽ có những tác động khác nhau. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là xe khách, taxi hay tàu thủy…
“Với các loại xe từ 4 - 7 chỗ ngồi, chi phí tăng thêm cho mỗi đầu xe mà doanh nghiệp phải chịu từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Đối với các loại xe từ 16 - 45 chỗ ngồi, chi phí này cũng sẽ tăng theo, khoảng 550.000 - 1.000.000 đồng/xe,” chị Lương ước tính. Như vậy, với số lượng hàng trăm chiếc xe của doanh nghiệp này thì đây là một chi phí không hề nhỏ.
Tuy nhiên theo chị Lương, để điều chỉnh tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo với các cơ quan chức năng, đăng ký và in ấn giá vé mới, hủy niêm yết giá cũ và phải chịu toàn bộ chi phí liên quan… Bên cạnh đó, giá xăng liên tục thay đổi khiến việc điều chỉnh giá cước theo biến động của giá xăng thì lại không hề đơn giản.
Anh Nguyễn Văn Thủy, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Thương mại Thiên Thanh cũng cho rằng, đối với nhiều hợp đồng đã ký từ trước thì không thể chỉ vì giá xăng tăng mà thay đổi hợp đồng theo được.
“Việc chủ hợp đồng có chấp nhận chịu tăng giá cước hay không, doanh nghiệp chưa thể chắc chắn được do hợp đồng đã ký với khách hàng từ trước. Chúng tôi có thể đề xuất nhưng cũng cần thời gian để đối tác bàn bạc và mức tăng bao nhiêu cũng cần phải thống nhất giữa hai bên,” anh Thủy chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, xăng dầu tăng giá mạnh trong khi lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển đường bộ vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm và ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Hiện nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trong nước vẫn chưa khai thác hết năng lực phương tiện, thiết bị. Các doanh nghiệp muốn giữ bạn hàng, lúc này mà tăng giá, đơn thương độc mã, có khi là lợi bất cập hại. Do đó, doanh nghiệp nào cũng nhìn trước, ngó sau, chờ động tĩnh chung của thị trường và đến nay vẫn chưa có ý định tăng giá cước.
Ông Thanh cũng đưa ra lời khuyên cho nhiều doanh nghiệp vận tải cần phải tự cân đối để có thể tạo mặt bằng giá chung về cước đối với mỗi tuyến bởi một số đơn vị vận tải tăng mà đơn vị khác không tăng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động vận tải và có thể dẫn tới mất khách…
Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam vẫn tiếp tục có ý kiến về tình trạng độc quyền kinh doanh xăng dầu sẽ gây khó khăn cho kinh doanh vận tải.
Theo người dân, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu cần thiết nên dù xăng dầu tăng người dân vẫn phải sử dụng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo lắng là khi xăng dầu tăng giá, nhiều mặt hàng khác liên quan đến xăng dầu sẽ tăng theo, như giá cước vận tải, taixi và nhiều loại hàng hóa, thực phẩm cũng sẽ tăng giá khi tư thương tính vào chi phí vận chuyển.
Gánh nặng tăng giá này lại đổ vào vai người dân. Hơn nữa, tình trạng nhồi nhét hành khách hay xe chạy quá tải có thể sẽ phổ biến hơn nữa khi giá xăng ngày càng cao và thiếu sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng.
Theo vietnamplus.vn
0 comments:
Post a Comment